Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn thế giới trong những tháng qua. Nằm chung trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, kinh tế Việt Nam cũng chịu những tác động đáng kể, mà trực tiếp là những người lao động. Vậy có những biện pháp nào để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Sáng ngày 20/8, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc ở Việt Nam lên 994 ca. Như vậy, trong vòng chưa đầy 1 tháng trở lại đây, nước ta đã có 578 ca nhiễm Covid-19 chủng mới, tăng hơn gấp đôi tổng số ca mắc trước đó.
Đến nay, chúng ta đang từng bước kiểm soát các ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi bằng những giải pháp quyết liệt. Các tỉnh, thành phố khác cũng tăng cường kiểm tra, rà soát và thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bùng phát phù hợp với thực tế từng địa phương.
Bộ Y tế cũng đã đưa ra yêu cầu cho các địa phương để kiểm tra, rà soát lại tất cả các phương án ứng phó, ngăn ngừa và phòng chống dịch trong nhiều mức độ khác nhau. Bộ có quan điểm cương quyết trong việc truy vết và khoanh vùng dập dịch, nhằm mang lại kết quả nhanh và hiệu quả trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.
Việt Nam đang từng bước kiểm soát các ổ dịch nhằm khoanh vùng dập dịch hiệu quả
Dù dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, nhưng những ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam là điều chắc chắn không thể phủ nhận. Dịch bệnh diễn ra từ tháng 1 cho đến nay, khiến cho tình hình kinh tế, quá trình kinh doanh, sản xuất bi tác động, đặc biệt là khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội một cách triệt để. Nhiều lao động trên cả nước bị mất việc làm, giãn việc và thu nhập bị giảm sút, cụ thể như sau:
Theo kết quả của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2020, nước ta có khoảng 1 triệu người trong tuổi lao động bị thất nghiệp. Con số này chiếm khoảng hơn 2% trong tổng số người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Không chỉ trên thế giới, mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại nước ta cũng phải tạm ngừng hoặc bị phá sản nhiều trong thời gian dịch bệnh gia tăng. Do vậy, tình trạng thiếu việc làm cho người lao động ở các nhóm tuổi cũng tăng lên tương ứng.
Đây là kết quả của việc giảm thời gian làm việc, giảm lương của người lao động hay thậm chí là nghỉ việc. Người lao động cũng có thể được yêu cầu nghỉ luân phiên, do yếu tố công việc giảm sút nên lượng công việc cũng không còn nhiều. Theo thống kê, có tới khoảng 17,6 triệu người bi ảnh hưởng do giảm thu nhập, chiếm tới 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng do Covid-19 tại Việt Nam.
Thu nhập của người lao động giảm đáng kể do dịch bệnh
Trước những ảnh hưởng tiêu cực đó của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP để hỗ trợ người lao động vượt qua những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh này. Sự quan tâm người dân của Đảng và Nhà nước được thể hiện qua nghị quyết này, người dân cả nước được chăm lo hỗ trợ trước khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, trong đó có các nhóm người lao động.
Chính phủ đã quyết định đưa ra gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho người dân, người lao động gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh này. Tính tới đầu tháng 6 năm nay, đã có 14 địa phương trên cả nước tiến hành thực hiện chi trả hỗ trợ an sinh cho gần 73.000 đối tượng trong nhóm hộ kinh doanh, người lao động.
Các nhóm đối tượng lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, và cả những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động cũng là các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ này. Hộ kinh doanh, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động trong doanh nghiệp theo của 47 tỉnh, thành phố trên cả nước là gần 4 triệu người. Tính đến hết tháng 5, tổng số tiền được phê duyệt chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn
Nhóm lao động yếu thế bao gồm lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, và các lao động nữ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là nhóm lao động được đánh giá là nhóm chịu ảnh hưởng rất lớn và nặng nề nhất trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Do đó, Tổng cục Thống kê cho rằng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm này cần được nghiên cứu và xây dựng, với mục đích giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh: người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi phục vụ cho việc khôi phục và duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất. Từ việc duy trì hoạt động kinh doanh sẽ góp phần tạo việc làm, tiếp tục duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động.
Chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn: người lao động bị mất việc làm, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để đáp ứng các nhu cầu chi trả tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi.
Ngoài các gói hỗ trợ trên, nhà nước cũng cần khuyến khích người lao động nâng cao trình độ, tay nghề trong thời gian này, để đáp ứng được yêu cầu lao động trong thời kỳ mới sau dịch.
Các gói hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đảm bảo mức sống cho người lao động
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, người lao động cũng chịu tác động xấu trong thời gian này. Các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh là việc làm cần thực hiện và hoàn thành càng sớm càng tốt, áp dụng với đúng đối tượng, không bỏ sót. Thực hiện biện pháp này nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho những người lao động gặp khó khăn, vượt qua thời kỳ khủng hoảng này cùng cả nước.