Đề xuất các phương án đưa người lao động mắc kẹt ở Đà Nẵng về quê

22/08/2023 72 lượt xem

Mỗi năm, Đà Nẵng thu hút hàng ngàn người lao động cả nước đổ về để tìm kiếm cơ hội việc làm. Với diễn biến phức tạp khi đợt dịch thứ hai bùng nổ, ban chỉ đạo thành phố đã ra quyết định thực hiện giãn cách xã hội. Điều này khiến cho người lao động tự do không kịp trở về nhà và mắc kẹt lại ở tâm dịch. Không có việc làm, các khu nhà trọ nhếch nhác, chật chội khiến người lao động rơi vào tình cảnh “đi cũng không được mà ở cũng không xong”. 

1. Cuộc sống cơ cực của người lao động tự do mắc ở Đà Nẵng 

Nơi ở chật chội, chạy từng bữa ăn 

Tìm hiểu về cuộc sống của những người lao động tự do bị mắc kẹt ở Đà Nẵng, ngày 18/08, các phóng viên của Báo Giao thông đã đến trực tiếp tại các khu xây dựng, nhà trọ,... trên địa bàn thành phố. 

5 giờ chiều, nhóm phóng viên có mặt tại một công trình xây dựng còn đang dang dở ở đường Thanh Lương 18, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Thời điểm đó cũng là bữa cơm tối của nhóm người lao động tự do Quảng Ngãi chỉ vỏn vẹn nồi cơm trắng và vài con cá nục kho. 

Cuộc sống cơ cực tạm bợ của những người lao động nghèo bị mắc ở vùng dịch không thể về nhà

Cuộc sống cơ cực tạm bợ của những người lao động nghèo bị mắc ở vùng dịch không thể về nhà

Công trình xây dựng đã tạm hoãn do dịch bệnh, không có việc làm, tiền công cũng bị nhà thầu “ngâm”, chủ thầu còn chưa trả hết nợ thì lấy đâu ra tiền trả công cho thợ, họ cho gì, những người lao động ăn nấy. Cuộc sống khốn khổ, chật vật, chạy vạy từng bữa, lúc đói, lúc no. Nhưng gánh nặng trên đôi vai của họ không phải là những gì mà những người lao động đang trải qua mà lo gia đình, là vợ con ở quê đang ngóng họ từng ngày. Người lao động tự do mắc kẹt ở tâm dịch Đà Nẵng đủ các thành phần, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều là người làm công ăn lương từ thợ hồ, thợ nề ở các công trình xây dựng đến nhân viên trong các doanh nghiệp. 

“Hôm vừa rồi người trên phường Hòa Xuân xuống cho bao gạo, chủ mua cho ít cá rau, 5 người chúng tôi ăn cầm đến giờ. Người ta cho gì ăn nấy, không đòi hỏi gì được. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, cuộc sống của những người như chúng tôi không biết sẽ thế nào?”. Đó là lời chia sẻ trong nghẹn ngào của ông Đinh Hên, người lao động quê ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. 

Đó chỉ là một trong những trường hợp nhỏ về những người lao động tự do mắc ở Đà Nẵng. Hầu hết những người lao động đến với Đà Nẵng với hy vọng nơi thành phố này sẽ mang lại miếng cơm, manh áo để họ nuôi gia đình. Tình hình dịch bệnh bất ngờ bùng nổ, toàn thành phố lao mình cùng cả nước chống dịch, tất cả các lĩnh vực trong xã hội đều bị ảnh hưởng. Nhưng có lẽ, những người lao động như ông Đinh Hên và hàng ngàn người lao động tha hương khác với gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai sẽ còn tiếp diễn dai dẳng kể cả khi dịch đi qua. 

Theo bà Hồ Thị Cẩm Nhung, chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Hòa Xuân trên địa bàn hiện có 182 người lao động tự do từ các tỉnh khác bị mắc kẹt. Qua khảo sát, tất cả đều có chung nguyện vọng mong được về quê để tránh dịch. 

Các nhà hảo tâm đã quyên góp hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu để giúp người lao động vượt qua khó khăn

Các nhà hảo tâm đã quyên góp hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu để giúp người lao động vượt qua khó khăn

Sự hỗ trợ của công đồng và chính quyền 

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng từ báo cáo cập nhật các tổ dân phố, trên địa bàn hiện có hơn 15.000 lao động từ nhiều tỉnh thành miền trung bị mắc kẹt dưới hình thức nhà trọ, khu tạm trú,... Còn nếu tính bao gồm cả công nhân, lao động đang làm việc ở các nhà máy, công xưởng thì con số này lên đến 110.000 người. 

Nhằm giúp đỡ người lao động khi phải đối mặt với những khó khăn, không ít các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, cơ sở thiện nguyện  đứng ra kêu gọi để hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu để có thể vượt qua được giai đoạn này. 

Thành đoàn thành phố Đà Nẵng cũng đã hưởng ứng thông qua chương trình “ Triệu bữa cơm” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động với chỉ tiêu 12000 bữa cơm hỗ trợ những người khó khăn đang chống chọi với đại dịch Covid-19. 

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ để đưa người lao động, công nhân, sinh viên ngoại tỉnh mắc kẹt ở Đà Nẵng được trở về quê. 

chiến dịch “Triệu bữa cơm”

Hưởng ứng chiến dịch “Triệu bữa cơm” hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trước đại dịch Covid-19

2. Các phương án đưa người lao động mắc kẹt ở Đà Nẵng về quê 

Đà Nẵng đề nghị mở hai tuyến tàu hỏa để đưa người lao động trở về địa phương

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các cơ sở, ban ngành có liên quan tạm dừng tất cả hoạt động, phương tiện vận chuyển hành khách đi, đến Đà Nẵng. Khi quyết định này được thực thi cùng với chỉ thị giãn cách xã hội và các phương án tại địa phương hạn chế người ở Đà Nẵng đến các khu vực khác đã khiến hàng ngàn người lao động, khách du lịch, sinh viên,... bị mắc kẹt lại Đà Nẵng không thể trở về nhà. 

Ngày 22/8, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng với các địa phương hỗ trợ để đưa người dân trở về quê bằng tàu hỏa. Thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cử cán bộ làm đầu mối phối hợp cùng với Sở Giao thông vận tải thống nhất về các phương án tổ chức vận chuyển. 

Quảng Ngãi điều 29 xe ô tô ra Đà Nẵng để đưa người dân trở về nhà

Cũng trong cùng ngày, hơn 720 người ở Quãng Ngãi bao gồm công nhân, sinh viên, người lao động tự do bị mắc ở tâm dịch Đà Nẵng trong thời gian qua được chính quyền điều động xe đón để đưa về nơi cư trú. Theo ban lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Uỷ ban nhân dân đã phối hợp với cơ quan chức năng bố trí 29 xe khách ra Đà Nẵng để đón người dân trở về nhà an toàn.

Đến thời điểm hiện tại thì Quảng Ngãi là địa phương đầu tiên cho bố trí phương tiện để hỗ trợ đưa người lao động, sinh viên bị mắc ở vùng dịch trở về nhà. Để đảm bảo an toàn cho quá trình vận chuyển, ban lãnh đạo tỉnh đã bố trí các cán bộ công an, y tế,... hỗ trợ đi cùng đoàn. Hơn nữa, trước khi lên xe, toàn bộ người dân đều được đo thân nhiệt, kiểm tra các biểu hiện như sốt, ho, khó thở để kịp thời cách lý và đi xe riêng. 

Người lao động, sinh viên tỉnh Quảng Ngãi háo hức làm thủ tục để được trở về nhà

Người lao động, sinh viên tỉnh Quảng Ngãi háo hức làm thủ tục để được trở về nhà

Với mỗi người dân, dù bao nhiêu khó khăn nhưng được trở lại quê hương là điều mà ai cũng vui mừng. Ông Trần Tân, người lao động được đưa về huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ niềm vui mừng với nhóm phóng viên khi được phỏng vấn. Với ông, nghe tin ban lãnh đạo tỉnh cho xe đón người dân về, ông hết sức vui mừng, dù có phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày nhưng cũng sẽ tốt hơn việc ở lại thành phố mà không có cái ăn, chỗ ở và việc làm. 

Bên cạnh đó, các địa phương khác cũng đang tiến hành rà soát, cập nhật số lượng người dân còn đang mắc kẹt để kịp thời đưa ra phương án để hỗ trợ, giúp mọi người trở về quê tránh dịch an toàn. Theo đó, để phối hợp cùng với ban chỉ đạo thì hy vọng người dân tại địa phương không có cái nhìn kỳ thị hay phân biệt đối với những người từ Đà Nẵng trở về. Tất cả trước khi được về đến nhà đã trải qua một quá trình kiểm tra kỹ lưỡng cũng như thực hiện khai báo, cách lý theo quy định. Họ hoàn toàn là người khỏe mạnh chứ không phải là “mầm bệnh” để mọi người xa lánh. 

Chia sẻ bài viết
1
Bạn cần hỗ trợ?